Nhân ái là mục đích cuối cùng của người học võ, nó giúp định hướng hành vi của người học võ. Dù nghĩ gì, làm gì, nói gì, xử sự thế nào, tất cả đều phải nhằm mục đích làm sao cho con người tốt hơn, cho mình tốt hơn, cho đời đẹp hơn…
Người có võ rất coi trọng lễ và giữ lễ. Trong thời đại giao lưu, hội nhập; khi các mối quan hệ xã hội trở nên mong manh, các giá trị truyền thống dễ bị lung lay, biến dạng, cả hoà tan; xem ra chỉ có võ là còn giữ truyền thống “tôn sư trọng đạo”, là còn trọng lễ và giữ lễ.
Với con nhà võ, nơi tập võ là một Võ đường, Đạo đường; người Nhật gọi là Dojo (Jo là nơi, Do là đạo đức. Dojo là nơi trui rèn đạo đức).
“Học lễ” là nội dung được thực hành liên tục, kiên định, nhất quán trong suốt quá trình dạy võ và học võ. Ngày đầu tiên đi học võ, người học phải trải qua thủ tục “Bái sư nhập môn”. Tuy không rườm rà như ngày trước, nhưng phép tắc thì phải duy trì: người học thắp cây hương trên bàn thờ Tổ, được gặp mặt Thầy, được giới thiệu với vị Huấn luyện viên trực tiếp huấn luyện, đặc biệt được hướng dẫn để biết phép tắc và những qui định của Võ đường… Bởi vì nơi tập là một Đạo đường, nên mỗi lần vào ra, người học phải cúi chào. Bất cứ lúc nào gặp thầy, bạn, huynh đệ, đều phải cúi chào. Bắt đầu và kết thúc một buổi tập, môn sinh phải chào Tổ, chào Thầy. Bắt đầu và kết thúc một trận đấu tập, hai đối thủ phải cúi chào nhau. Bắt đầu và kết thúc một bài quyền bao giờ cũng là cái chào. Bài tập đầu tiên trong cuộc đời học võ là bài chào. Trong Võ đường, và qua các kỳ kiểm tra, người học võ được đánh giá dựa trên hai tiêu chuẩn: thành tựu công phu và phẩm chất đạo đức, được thể hiện qua cung cách quan hệ, ứng xử với mọi người… Với những ai hiểu, thì đó không chỉ là hình thức mà còn bao hàm cả nội dung. Với những người học còn nhỏ tuổi, chưa kịp hiểu, thì cứ kiên trì thực hành lễ, một ngày kia tất sẽ ngộ ra ý nghĩa bên sau mỗi cái chào.
Người học võ chân chính không coi cái chào là lễ, mà là hình thức của lễ, cách thể hiện lễ. Cái chào ngầm chứa nội dung vô cùng quan trọng, vốn là kim chỉ nam của người học võ, đó là cái đạo của võ và đạo đức của người học võ, gọi chung là Võ đạo. Cái chào chỉ như bóng điện, Võ đạo mới là dòng điện. Không có dòng điện, bóng điện không thể toả sáng; không có tinh thần Võ đạo, cái chào chỉ còn là động tác gật đầu.
Cũng như quá trình tích tụ năng lượng để thắp sáng bóng đèn, quá trình học võ là quá trình tu dưỡng phẩm chất, đạo đức làm nền tảng cho hành vi ứng xử trong các mối quan hệ xã hội. Tuỳ theo từng mối quan hệ xã hội mà hành vi ứng xử khác nhau. Ví dụ, đối với cha mẹ khác đối với thầy, với bạn; đối với người thân, khác với kẻ sơ; với ân nhân khác với kẻ thù; cung cách đi dự đám cưới khác với dự đám ma… Nhưng dù sắc thái có khác nhau thế nào, thì tất cả đều được hình thành trên một nguyên tắc chung. Nói cách khác, nội dung ứng xử thì tuỳ từng mối quan hệ; nhưng nguyên tắc ứng xử thì chung nhất.
Người đời thường coi trọng hình thức của lễ, nội dung của lễ, nhưng con nhà võ còn coi trọng nền tảng, nguyên tắc của lễ.
Nguyên tắc đó là:
Nhân ái và tôn trọng
Nói tôn trọng là tôn trọng quyền tồn tại, quyền sống, quyền làm người, quyền làm người không giống ai. Trong đời sống xã hội, vị trí mỗi người tuy chẳng giống nhau, nhưng nhân cách làm người thì không khác nhau – ai cũng sinh ra và lớn lên bằng trái tim của mẹ; ai cũng bình đẳng trước thượng đế và trước cái chết. Có tinh thần tôn trọng, người tập võ không hạ mình trước bất cứ ai, không phân biệt ai hơn ai; không tâng bốc người trên, không miệt thị người dưới. Tôn trọng con người, tôn trọng mình, tôn trọng đối thủ, đó là một trong những phẩm chất hàng đầu của người học võ.
Nhân ái là mục đích cuối cùng của người học võ, nó giúp định hướng hành vi của người học võ. Dù nghĩ gì, làm gì, nói gì, xử sự thế nào, tất cả đều phải nhằm mục đích làm sao cho con người tốt hơn, cho mình tốt hơn, cho đời đẹp hơn. Nếu không vì lòng nhân ái, hành động của người học võ không khác chi hành động của tên cướp, nhưng nếu vì lòng nhân ái, hành động của anh ta sẽ là hành động anh hùng – “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Quân điếu phạt trước lo trừ bạo” (Nguyễn Trãi).
Khiêm tốn và nhún nhường
Thói kiêu căng tự mãn là kẻ thù lớn nhất của người học võ. Sự hiểu biết không bao giờ có giới hạn. Ai không thấy thiếu sẽ không thêm được gì. Ai không biết ẩn mình sẽ không bay cao. Cái thùng đã đầy thì không còn chứa được nữa. Muốn nhảy lên cao thì phải rùn thấp. Muốn vượt qua xà phải biết uốn mình. Với người học võ, đức khiêm tốn không làm cho mình bé lại mà giúp mình có sức mạnh đi xa về trước; không làm cho mình thấp hơn đối thủ mà làm cho đối thủ không cao hơn mình. Đức khiêm tốn còn thể hiện đạo đức của người học võ: yêu người, vì người, “đi trước về sau”, “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của mọi người”.
Niềm tin và bản lĩnh
Ở đời, không ai có tất cả, không ai không có tất cả. Con gà trống gáy một tiếng, cả làng thức dậy, nhưng không đẻ được trứng; con gà mái đẻ được trứng, nhưng không làm kinh động được ai. Ông nông dân lấy vợ, sinh con, lao động cực nhọc nuôi sống gia đình, nhưng không làm được nhạc. Ông nhạc sĩ tài danh sáng tác cả pho nhạc hay làm rung động trái tim bao thế hệ, nhưng không có vợ con, không cuốc nổi một luống đất. Thật vô lý nếu ông nông dân nọ mặc cảm vì không sáng tác được nhạc; hoặc ông nhạc sĩ kia đau buồn vì không làm tròn thiên chức lấy vợ, sinh con. Cho nên, học võ là học để biết mình là ai, biết cách hun đúc mình, hoàn thiện mình, có niềm tin và tự hào về mình. Mất niềm tin là tự đánh mất vũ khí của mình. Niềm tin, đối với người trí thức, đó là sức mạnh nội tâm; đối với bậc thiền sư, đó là tinh thần vô uý; đối với người học võ, đó là dũng khí của người chiến sĩ. Mất niềm tin, con người hoặc rơi vào tự ti, trầm cảm; hoặc trở nên hung hăng, gây hấn. Chỉ có bản lĩnh, có niềm tin, người học võ mới có sức mạnh để thể hiện cái đức nhân ái, khiêm tốn, nhún nhường, và tôn trọng người khác.
Nhân ái và tôn trọng, khiêm tốn và nhún nhường, bản lĩnh và niềm tin, đó không chỉ là nền tảng của mọi hành vi ứng xử, mà còn là nền tảng của tinh thần Hoà Hợp. Mục đích tối thượng của người học võ là thiết lập mối quan hệ tốt đẹp giữa con người và con người với tinh thần: cộng tác, cộng đồng, cộng hưởng, cùng hưởng… trong xã hội; thái hoà trong gia đình, và an lạc trong bản thân. Đây là điểm thanh niên chúng ta đang thiếu, thậm chí thiếu trầm trọng. Thanh niên chúng ta thiếu cái thuận mà thừa cái nghịch, thiếu cái hoà mà thừa cái bất hoà, thiếu đoàn kết mà thừa chia rẽ. Tôi từng nghe nói: “Một người Việt Nam và một người Nhật, thì người Nhật không bằng người Việt Nam. Ba người Việt Nam và ba người Nhật, thì ba người Việt Nam không bằng ba người Nhật”. Ấy là cách khẳng định thói xấu bất hợp tác, mất đoàn kết của người mình đó thôi. Vì sao ư? Có chi đâu, là vì chúng ta thiếu cái đức tôn trọng, yêu thương, khiêm tốn, bản lãnh và một sức mạnh nội tâm. Ở đời, phàm kẻ nào không có sức mạnh nội tâm, không có bản lĩnh, kẻ đó sẽ không nói được tiếng xin lỗi, xin cám ơn, xin vui lòng, xin nhận trách nhiệm… Và chắc chắn kẻ đó không thể thiết lập được mối quan hệ tốt đẹp với mọi người.
Tất nhiên, ở trường học và trong gia đình, ai cũng mong muốn dạy con em mình biết lễ phép, biết cách ăn ở, cách đối nhân xử thế. Nhiều trường học nêu cả khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” ở cổng trường và trong các lớp học. Nhưng xem ra, chỉ có võ là dạy cái lễ cho người học hiệu quả nhất. Nói vậy là vì, chỉ có võ mới có chương trình học vừa cả võ vừa cả lễ; nội dung kiểm tra lên đai đẳng cũng bao gồm cả lễ và võ. Ngoài ra, việc thực hiện chương trình “học lễ” xuyên suốt, nhất quán, và triệt để. Đặc biệt, võ coi trọng đào luyện cái gốc song song với cái ngọn, nội dung song song với hình thức, nền tảng song song với biểu hiện – coi trọng việc giáo dục cho người học tinh thần nhân ái, tôn trọng con người, khiêm tốn, niềm tin, và bản lĩnh, song song với việc dạy cho các em cách đối nhân xử thế, cách quan hệ ứng xử cho phải phép, phải đạo với mọi người.
Tiếc rằng, hiện nay nhiều người hiểu không đúng về võ. Họ cho võ là đánh nhau, là vai u thịt bắp, là mặt rổ mặt rạch… Họ không hề hiểu võ là một hình thái nghệ thuật, là công cụ giáo dục đạo làm người; học võ là học đạo làm người. Thêm vào đó, cũng vì có nhiều người dạy võ chỉ dừng lại ở mức “võ thuật” mà chưa đạt tới được mức “võ lý” và “võ đạo” – chỉ dạy cho người học cách đánh mà không dạy cho họ đánh ai, đánh thế nào, bảo vệ ai, bảo vệ cái gì… Đã thế, trong xu thế thị trường hoá, thương mại hoá, thể thao hoá, võ bị xếp ngang hàng với các môn thể thao khác. Người ta chạy theo thành tích, huy chương mà quên mất sứ mệnh giáo dục; chạy theo hư danh mà quên đi thực chất. Tất nhiên, võ cũng là một môn thể thao, nhưng không phải đơn thuần chỉ là một môn thể thao. Võ là môn thể thao truyền thống. Nó vừa phải làm nhiệm vụ đào tạo những vận động viên xuất sắc cho thể thao nước nhà, vừa phải hoàn thành sứ mệnh dạy cho người học sức khoẻ, phẩm chất đạo đức, đối nhân xử thế.
Hẳn chúng ta đều biết, “Tinh thần Nhật Bản”, “Sức mạnh Nhật Bản” được hun đúc bởi ba dòng sữa: Thần đạo Shinto, Phật giáo Thiền tông, và Tinh thần Võ đạo. Trong suốt bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, võ là một trong hai dòng suối tạo nên Sức mạnh Việt Nam – “Sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững. Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa. Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng. Rất hiên ngang mà nhân ái chan hoà” (Huy Cận). Từ Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn… các bậc khai quốc, công thần đều xuất thân từ con nhà võ. Nhiều trong các triều đại ấy đều có trường dạy võ, chương trình học võ, và các kỳ thi võ (Tú tài, Cử nhân, Tiến sĩ). Rõ ràng, cùng với văn, võ đã góp phần hun đúc nguyên khí quốc gia, sức mạnh dân tộc; góp phần đào luyện con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có sức mạnh, niềm tin, và khí phách; được thử lửa qua suốt chiều dài lịch sử chống ngoại xâm và xây dựng đất nước.
Ngày nay, đất nước ta hoà bình, thống nhất, thịnh vượng. Chúng ta có nhiều bạn bè, nhiều đối tác khắp năm châu. Chúng ta đang hân hoan vươn ra biển lớn. Nhưng nhìn lại, xem ra dòng suối võ ngày nào không còn chảy nữa! Không biết nó tắt từ thời nào? Vì sao tắt? Có cần khơi thông không? Làm thế nào khơi thông trở lại để võ tiếp tục góp phần mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước? Rất cần các công trình nghiên cứu nghiêm túc, các hội nghị khoa học để làm sáng tỏ những vấn đề ấy.
Thiết nghĩ, dù đứng trước kẻ thù hay đứng trước đối tác làm ăn, mỗi dân tộc, mỗi con người đều phải cần có sức mạnh, niềm tin, và khí phách. Thiếu sức mạnh, niềm tin, và khí phách, thì không thể đánh thắng ngoại xâm; thiếu sức mạnh, niềm tin, và khí phách, cũng không thể làm ăn sòng phẳng với người.
Sưu Tầm