Chủ nhật ngày 27/10/2013 vừa qua, CLB có tổ chức một buổi dã ngoại thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tại số 28A Điện Biên Phủ, Quận Ba Đình, Hà Nội. Đây là hoạt động truyền thống của CLB hàng năm tổ chức tới thăm các bảo tàng lịch sử, văn hóa tại Hà Nội. Chuyến thăm Bảo tàng quân sự Việt Nam nằm trong chuỗi các hoạt động tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đoàn bắt đầu thăm quan từ ngoài vào trong, được Hướng dẫn viên bảo tàng chia sẻ rất nhiều những điều bổ ích.
Cụm từ “tưởng niệm sống” cùng với hình ảnh Anh hùng Cảm tử quân Lê Gia Đỉnh. Với cấu tạo của bom ba càng, để bom phát nổ, cần phải tác dụng 1 lực đủ mạnh và đều vào 3 chân của bom. Chính vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị sẵn tinh thần, 1 bom ba càng nổ là chúng ta mất đi một chiến sĩ. Lần đầu tiên, rất may mắn, chính trị viên Lê Gia Đỉnh tấn công xe tăng địch bằng Bom ba càng nhưng may mắn đã không hy sinh. Nhưng tới lần hai, may mắn đã không đến với anh, anh đã nói với đồng đội lần trước anh không chết là do may mắn, anh đã ra đi với tâm lý là cái chết đang chờ mình.
Giống như bao chiến sĩ khác, lần thứ nhất ra đi với bom ba càng, anh cũng đã được làm lễ “tưởng niệm sống”. Lần thứ hai, may mắn đã không đến với anh, anh đã cầm bom và lao vào xe tăng địch nhưng bom không phát nổ. Sau đó anh đã cho nổ quả bom cuối cùng và hy sinh khi giặc tiến tới
gần. Chúng ta đã hiểu thế nào là “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” khi nghe câu chuyện về anh Đỉnh, anh là một trong hàng trăm ngàn chiến sĩ sẵn sàng lao vào cuộc chiến khi biết chắc chắn mình sẽ không còn trở về được nữa…
Địa đạo Củ Chi là một trong những thành công lớn của quân đội ta. Địa đạo dài khoảng 300km. Tất cả đều nằm hoàn toàn dưới lòng đất. Địch đã sử dụng rất nhiều biện pháp để triệt phá ta, nhưng không một biện pháp nào thành công. Địch trồng lọai cỏ cao trên phía bề mặt Địa đạo. Đặc điểm của loại cỏ này là rất cao, chiều cao trung bình từ 1m8-2m. Vào mùa khô, loại cỏ này khô và rất dễ cháy. Mỹ cho đốt hết cỏ, khi đó bề mặt đất phía trên địa đạo sẽ có một lớp tro đen. Mỹ tin rằng chúng ta sẽ cần phải tiếp tế lương thực, nếu như chúng ta di chuyển phía trên sẽ để lại dấu chân, từ đó chúng sẽ tìm ra chúng ta. Nhưng những chiến sĩ rất thông minh, không để lại dấu vết gì sau mỗi lần di chuyển. Mỹ buộc phải tìm cách khác. Lần này, Mỹ dùng chó nghiệp vụ để tìm mùi, từ đó lần ra đường xuống địa đạo. Ban đầu chúng ta cũng có một vài thiệt hại nhất định, nhưng cuối cùng chúng ta cũng nghĩ ra cách khắc phục. Đó là, chúng ta lấy xà phòng, quần áo, đồ tư trang của lính Mỹ mà chúng ta thu được, đem đặt ở đầu mỗi cửa hang địa đạo khiến chó nghiệp vụ không thể đánh hơi được mùi của quân ta. Kế sách tiếp theo của Mỹ là đội quân “chuột cống”. Sở dĩ có cái tên “chuột cống” là địa hình di chuyển của địa đạo rất hẹp, nhỏ và thấp, và phù hợp với hình thể nhỏ bé của nhân dân ta, nên địch chọn ra những tên lính có vóc dáng nhỏ nhất để tấn công. Nhưng chúng không thể vượt qua được những cạm bẫy mà ta đã đặt dưới lòng đất, mỗi phần địa đạo được bố trí khác nhau nên chúng không thể biết mình đang đi như nào và sẽ gặp bẫy gì. Sự khác nhau của địa đạo thể hiện rõ nhất là ở chỗ đến cả quân đội ta, những người ở phần này địa đạo còn chưa từng tới phần khác của địa đạo, không chỉ bởi chiều dài 300km của địa đạo mà còn do nếu không quen và không biết rõ địa hình của địa đạo đó, khi đi vào sẽ rất dễ gặp bẫy và nguy hiểm, gây sát thương rất cao.
Một điều nữa đáng để tự hào về dân tộc ta đó là bộ đội ta đã bắn rơi 68 máy bay B52 của Mỹ_điều mà chưa từng có quân đội của nước nào làm được. Máy bay B52 là loại máy bay được trang bị tối tân và hiện đại nhất của Mỹ lúc bấy giờ phục vụ chiến đấu. Không chỉ về mặt kỹ thuật, mà còn về những mặt khác.
Mỗi phi công trên mỗi máy bay được trang bị rất nhiều vật dụng tiện lợi. Trước hết là 1 túi lọc nước mặn thành nước ngọt. Giả sử phi công bị bắn rơi và rơi xuống biển có thể dùng chiếc túi này để tự cứu bản thân và chờ cứu hộ. Tiếp theo là 3 viên thuốc màu xanh lá cây, màu nâu và màu hồng. Viên màu xanh được dùng để khi phi công rơi xuống địa hình cây cối như rừng rậm, núi, lấy viên thuốc này pha với nước sẽ giúp ngụy trang tốt hơn, chờ cứu viện. Tương tự, cũng với mục đích ngụy trang, viên màu nâu được dùng khi phi công rơi xuống địa hình nhiều đất. Còn đối với viên màu hồng, khi phi công rơi xuống biển, phi công sẽ pha viên này với nước, nước biển thông thường màu xanh, nếu nhìn thấy một vùng màu hồng ở giữa biển, lính Mỹ sẽ phát hiện ra phi công bị rơi và sẽ xuống cứu.
Một hình ảnh khác đó là bức ảnh O du kích. O du kích nhỏ là một tác phẩm đen trắng khổ dọc miêu tả hình ảnh một nữ dân quân mặc thường phục màu đen, đội mũ cối đang cầm súng áp giải một viên phi công Mỹ to lớn hơn cô rất nhiều. Trong ảnh, cả hai người đều đang rảo bước, mắt cô du kích đang nhìn về phía viên phi công Mỹ lúc này đã bị còng tay và bước đi trong tư thế cúi đầu. Tố Hữu khi xem bức ảnh này, ông đã nảy ra những câu thơ:
O du kích nhỏ giương cao súng.
Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu.
Ra thế! To gan hơn béo bụng.
Anh hùng đâu cứ phải mày râu”
Sau đó chúng ta được xem tường thuật toàn bộ trận chiến Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu bằng hình thức sa bàn cùng với các chiến sĩ cùng tới thăm bảo tàng. Một trong những thất bại của Mỹ trong chiến dịch được Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng chia sẻ đó là nghĩ rằng ta không thể mang được những khẩu pháo lên trên cao được.
Mục đích chính của buổi dã ngoại này là để mọi người hiểu thêm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bởi đây là một dịp may mắn khi Bảo tàng tổ chức trưng bày các hiện vật, di vật, hình ảnh về Đại tướng. Một sự rất may mắn khác đối với chúng ta đúng như lời hướng dẫn viên bảo tàng nói đó là may mắn vì sinh ra vào thời gian này và may mắn được tới viếng Đại tướng.
Chúng ta di chuyển tới căn phòng chính trưng bày những hiện vật và tư liệu về Đại tướng. Tại đây chúng ta được xem một đoạn phim tư liệu về Đại tướng cũng như rất nhiều hiện vật mà không biết bao giờ chúng ta mới có lần thứ hai được xem. Đúng như cái tên được toàn thể đồng bào trìu mến gọi “Đại tướng của nhân dân”, đến đây chúng tôi mới nhìn thấy được vị tổng tư lệnh đó gần gũi và thân thương đến thế nào. Người không chỉ giỏi tài thao lược trên chiến trường mà còn giỏi về việc tổ chức bộ máy nhà nước, đó là lý do người đã từng làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên của nước ta. Rồi những bức ảnh đầy nét già nua nhưng vẫn đầy sinh lực và tình yêu thương trong những năm cuối đời. Chúng tôi còn may mắn được xem một đoạn clip về chiến tranh Việt Nam và Đại tướng.
Cuối cùng, chúng ta thăm quan di tích Cột cờ Hà Nội nằm trong khuôn viên bảo tàng. Cột cờ được xây dựng từ năm 1805 và hoàn thành năm 1812. Đó là một kết cấu dạng tháp được xây dựng gồm 3 tầng đế và 1 thân cột, được coi là một trong những biểu tượng của thành phố. Tại đây, chúng ta cũng phải nói lời chia tay với chị hướng dẫn viên nhiệt tình đã cho chúng ta thêm nhiều kiến thức và những giá trị ẩn sâu trong từng bức tranh, hiện vật tại Bảo tàng Quân sự Việt Nam.
Buổi tham quan rất ngắn, chỉ trong vòng hơn 2 tiếng đồng hồ nhưng phần nào đã làm rõ hơn 2 chữ “yêu nước” trong lòng mỗi thành viên CLB và để lại những suy nghĩ trưởng thành hơn, khiến mỗi người trong chúng ta học cách sống có ích và mạnh mẽ hơn.