Chuyến tàu SE1 đưa chúng tôi rời ga Hà Nội, bỏ lại sau lưng thành phố phù hoa, bỏ lại những ánh đèn đường tấp nập. Tạm biệt những cái chào thân ái và quyết thắng, chúng tôi – Đại đội Lửa Việt – 160 con người tròn trịa hai toa tàu – lên đường theo lời hẹn trở về từ trái tim mình với ngôi sao vàng lấp lóa trước ngực.
Đi xa, thời gian di chuyển thường là thời gian phí phạm và mệt mỏi nhất, nhưng đi xa mà đi cùng đồng đội mình thì không như vậy. Buổi tối trên tàu luôn là những ký ức không thể phai nhòa với tất cả chiến sỹ. Đó là những nụ cười tươi rói, những bài ca đi cùng năm tháng, và những màn giới thiệu tên trung đội đặc sắc. Là Nguyễn Văn Trỗi với trung đội ca bất hủ; là Lê Đình Chinh với màn kịch mà đạo diễn kiêm biên kịch kiêm sub; là Võ Thị Sáu và Lý Tự Trọng; đơn sơ thế thôi, nhưng đầy ắp tiếng cười
Tiếng tàu xập xình đưa chúng tôi vào giấc ngủ đầy chông chênh theo đúng nghĩa đen. Bầu trời trôi vùn vụt trong tâm trí, mờ mờ một giấc mơ ảo diệu, nụ cười hạnh phúc và bình yên. Cảm ơn các anh em đã thức canh cho giấc ngủ chị em được tròn. Cảm ơn bạn đã chia chăn sẻ gối cùng tôi, chợt nhớ đến mấy câu thơ của Chính Hữu:
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ
Đồng chí!”
Đêm trôi vèo, ngày mới xanh thật xanh, chúng tôi đến ga Đồng Hới trong cái tiết se se sương sớm như thế. Tập hợp, xếp hàng, rồi nhanh chóng di chuyển ra xe. Ai cũng hồi hộp vì sắp được đến thăm Người , sắp sửa được hát cho Người nghe những câu ca nghẹn ngào như lời ước hẹn hàng năm.
Vũng Chùa hiện ra êm đềm với từng lớp sóng vỗ ngoài kia như hát khúc ca bất tử về Người Anh hùng dân tộc, Người anh cả của lực lượng vũ trang nhân dân. Chúng tôi ai cũng không khỏi khấp khởi, bồi hồi những niềm xúc động lớn lao. Quảng Bình quê ta ơi, như trào ra từ lồng ngực, như chảy từ những trái tim, hòa lên một niềm thương nhớ vô ngần. Không gian bỗng chốc giãn ra rồi lại đặc lại bởi những nghẹn ngào, ai cũng cố nuốt chặn những run run để ca cho trọn lời, trọn nốt.
Những bức ảnh lưu niệm vô cùng đông đảo. Với quân số bổ sung nhanh chóng hằng năm, năm nay bức ảnh đã dài cỡ hơn một gang tay. Những gương mặt cứ giống nhau dần, hao hao hình dạng. Có người bảo, những ai thân thiết lâu ngày sẽ hóa giống nhau. Ừ, nhìn ảnh xem, cả nhà ta đều giống nhau như này chắc là điều hiển nhiên rồi nhỉ?
Xe ô tô bon bon đưa chúng tôi về với Cửa Việt, hướng ra Biển Đông. Cồn Cỏ, hòn đảo tiền tiêu đang vẫy gọi chúng tôi, như cái hẹn còn dang dở, như sợi tơ duyên mặn mòi còn vương vấn. Trên xe, các đồng chí tranh thủ hát cho bay cơn mệt nhọc, ôi thôi thì đủ thể loại, từ dân ca và nhạc cổ truyền, đến nhạc cách mạng lại vòng về nhạc trẻ, nhạc trữ tình. Bên ô cửa sổ, đất nước xinh đẹp cứ mở rộng dần theo từng nhịp xe đi.
“ Việt Nam, non nước tôi, dù trải qua bao ngày gian khó,
Việt Nam, non nước tôi mãi mãi tự hào…”
Tuổi trẻ cứ xanh rờn như trời mây mênh mang, như câu hát, như cái ngông nghênh dang dở đó.
Cồn Cỏ đón đoàn lữ khách với nụ cười hồn hậu và cái bắt tay thật chặt, thân thương như đón người anh em từ miền xa trở về. Cồn Cỏ ôm chúng tôi với một niềm thân mến tha thiết như thế. Bỗng chốc, bao chòng chành, chênh vênh, bao lả lướt dần tan biến trong cái nắng, cái gió và mùi đượm vị mặn mòi của biển cả bao la. Anh em dẫn chúng tôi về hội trường là nơi tối sẽ diễn ra chương trình giao lưu văn nghệ. Hớn hở những câu chuyện dọc đường đi, “ Ba năm trước Cồn cỏ khác nhiều quá…” Chúng tôi cất đồ đạc, rồi theo anh Bí thư huyện đoàn đến dâng hương tại Đài tưởng niệm. Nhìn từ trên cao, Cồn Cỏ xinh xắn như hòn ngọc nhỏ giữa biển, với những khoảng ruộng xanh “xinh xẻo”,những công trình, bãi cỏ với “hai cái máy xén cỏ” thủng thẳng gặm cỏ non.
“ Cồn Cỏ với truyền thống trung kiên bất khuất, là hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, sẽ tiếp tục phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời đại mới.”
Ba năm trước, chúng tôi đã đến đây. Ba năm sau chúng tôi đã trở lại và chứng kiến sự vươn mình mạnh mẽ của Cồn Cỏ. Xin chúc các anh tiếp tục chắc tay súng, vững tay làm kinh tế để rồi mỗi lần chúng tôi trở lại , đều chứng kiến những sự thay đổi ngoạn mục của hòn đào kiên cường này.
Hôm đó Cồn Cỏ stadium ngập tràn chuồn chuồn, với cái nắng hiu hiu, âm ẩm, trận bóng đá giao hữu đã diễn ra vô cùng sôi nổi, sôi nổi từ vận động viên đến cổ động viên.
Chúng tôi cùng các anh em cháy hết mình cùng những tiết mục được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, những màn biểu diễn võ thuật đặc sắc trong buổi tối giao lưu văn nghệ. Chúng tôi và Cồn Cỏ như đã hòa lại làm một. Nhìn hội trường đông chật người, ai cũng muốn duyên thật duyên, xinh thật xinh, phiêu cùng những lời ca tiếng hát, để động viên các anh chiến sỹ và nhân dân trên đảo, và cũng là để động viên lẫn nhau.
Ngọn lửa trại sáng rực giữa đêm, quẩy lên nào là quẩy lên nào! Đến đây thì chẳng ai còn nhận ra đâu là những “kẻ lạ” hay đâu là chủ nhà, chúng ta đã là anh em, đã thành đồng chí. Ngọn lửa cháy rừng rực cũng không nóng bằng sức nhiệt , sức trẻ của các anh em.
Đêm mờ sương, trăng vằng vặc một thứ ánh sáng huyền diệu, tưởng như đang đi lạc vào một chốn bồng lai. Có tiếng gió, tiếng dế hót, lại có tiếng sóng vỗ, có tiếng thở, có những nhịp tim thổn thức. Đêm Cồn Cỏ, sương thấm ướt vai, cái lạnh khiến chúng tôi tĩnh tâm, lắng lại. Đầu kề vai nhau, chúng tôi sống chậm lại, thả hồn phiêu diêu cảm nhận cái hạnh phúc ngọt ngào của sự bình yên sau một ngày hoạt động dồn dập. Có cái gì êm đềm cứ ngấm dần vào từng thớ thịt, nhẹ nhõm cứ lan tỏa tận đáy lòng, vì chúng tôi ở đó, hay vì chúng tôi có nhau? Rồi những câu hỏi cứ xoáy mãi, liệu ta có gì khác không? Liệu những phút giây này có tiếp thêm nghị lực cho chúng ta, có thêm chút bình yên để bớt chông chênh khi quay về thành phố, để quyết tâm làm điều chúng ta chưa làm được?
chúng tôi vẫn kịp dự lễ phát động phong trào thi đua xanh sạch đẹp của Cồn Cỏ theo lời mời tha thiết của anh Bí thư đoàn. Rồi cũng phải vội vã chia xa. Những con thuyền trôi đi trong lớp sương mờ, như trôi vào miền đất nhớ. Xa xa, Cồn Cỏ cứ bé dần, bé dần. Tạm biệt, và hẹn gặp lại nhé, các đồng chí !
Nghĩa Trang Trường Sơn nắng bỏng và bùi ngùi. Cả Đại đội cùng nhau dâng nén tâm hương lên Hồ Chủ Tịch ở nhà khánh tiết rồi di chuyển ra đài tưởng niệm. Trong cái văng vẳng trầm mặc của hương khói và núi rừng, nước mắt cứ lặng lẽ, chảy ngược. Câu ca cứ hào hùng cất lên, át tiếng gió, át nắng cháy. “ Đoàn quân Việt Nam đi…
Hơn 10 ngàn ngôi sao, hơn 10 ngàn trái tim tuổi trẻ đã chiến đấu, đã hy sinh cho dân tộc, cho chúng tôi có ngày hôm nay. Lặng lẽ đi giữa những hàng mộ trắng xóa, thấy lòng chùng chình, hương hay nắng hay cái gì làm cho mắt cứ cay cay….
Dấu chân in trên đời chúng tôi những tháng năm trẻ nhất
Mười tám hai mươi sắc như cỏ
Dày như cỏ
Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ
Cơn gió lạ một chiều không rõ rệt
Hoa chuẩn bị âm thầm trong đất
Nơi đó nhất định mùa xuân sẽ bùng lên
Hơn một điều bất chợtChúng tôi đã đi không tiếc đời mình
(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em…
(Thanh Thảo)
Rời nắng gió Trường Sơn, chúng tôi hướng về Thành Cổ, về mảnh đất khói lửa 81 ngày đêm. Nắng chói chang, gắt gỏng, hồn lại thêm một lần nữa chùng chình. Thành Cổ vẫn trầm mặc, uy nghi. Giọt nước mắt vẫn lặng lẽ rơi. Ở nấm mộ chung cho các anh, bước chân cứ nhẹ thênh. Dẫu chỉ kịp in dấu chân mình, dẫu chỉ kịp ghé qua, chỉ kịp chạm vào không gian nửa trong nửa đặc của nắng trưa, nhưng trong trái tim của mỗi người, ắt hẳn không khỏi bùi ngùi. Gần 10 năm chưa một lần lỡ hẹn, Đại đội Lửa Việt lại trở về hôm nay, để nghiêng mình trước anh linh các anh…
“Chúng ta đã chịu được không phải chúng ta là gang thép; vì gang thép cũng chảy với bom đạn địch; mà chúng ta là những con người thực sự, con người Việt Nam với truyền thống hàng nghìn năm, đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại” – Lê Duẩn.
Tạm biệt Thành Cổ, thời gian tính bằng phút, bằng giây, tưởng chẳng kịp ghé thăm dòng Thạch Hãn, để lòng ngân nga câu thơ:
Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm..
Vậy mà vẫn kịp lướt qua, vẫn kịp để gửi lời chào cùng niềm mến phục và tri ân tới những tuổi hai mươi đã hóa thành sóng nước, kịp hát bản hùng ca Tổ quốc muôn đời, kịp thả những những chiếc bè hoa lững lờ trôi xa mãi…
Tạm biệt Quảng Trị. Ga Đông Hà hối hả tiễn chúng tôi. Hà Nội gọi chúng tôi trở về. Xin trích ra đây lời chia sẻ của một chiến sỹ sau chuyến Hành hương như một lời tạm biệt và hẹn ngày trở lại:
“Cảm nhận đầu tiên khi xuống tàu đặt chân lên HN, thời tiết dễ chịu hơn nhiều, ngay những việc đầu tiên khi về nhà, đánh răng rửa mặt, tắm, cũng thấy mình sống có điều kiện tốt hơn những người khác rất nhiều, nhưng trách nhiệm thì không thể lớn lao hơn họ.” – Ngô Quang Bình, Lam đai Ba.
Cảm ơn đồng đội, đồng chí. Chúng ta lại hứa với nhau, hẹn với nhau lời hẹn trở về. HH16 khép lại, nhưng những chuyến đi vẫn tiếp tục mở ra cho mỗi chúng ta. Tạm biệt HH16, và hẹn ngày chiến thắng ta sẽ về trong một nhà.