07:45 | 24/12/2015

Lễ thăng đai Học kì II/2015

Cứ trải qua một quãng đường, người ta thường ngoảnh lại xem đạt được bấy nhiêu. Có khi là mỉm cười, có khi là tiếc nuối. Có những thành quả hữu hình, định lượng, có những thứ chỉ đặt ở trong tim.

Đứng nghiêm lễ dưới lá cờ tổ quốc, cờ hiệu môn phái mà hát Quốc Ca, mà suy tưởng. Người dân đồng bằng Bắc Bộ hát chầu văn chẳng phải với mục đích chính là để giải trí hay thưởng thức cái tuyệt diệu của giai điệu, lời từ. Họ hát chầu văn vì đây là thứ âm nhạc nối liền tâm linh, nói đúng hơn là lên đồng. Quốc Ca Việt Nam thỉnh thoảng bị áp cho cái mác “bạo lực” nhưng nhiều khi hát cũng chẳng để ý lắm, chỉ thấy rằng mỗi lần hát, lại được hát trong một không gian nghiêm trang như vậy thấy lòng lâng lâng chẳng hiểu sao.

Bước chân vào một võ đường, chẳng có mấy ai không muốn mình ngày một tráng kiện, thân thể linh hoạt, ý chí kiện khang. Chưa nói đến sau này sử dụng võ thuật mình được truyền dạy vào những mục đích lớn lao, chỉ cầu chân tay vững chắc, người ngoài nhìn vào cho ra mình là người học võ.

Còn sao ta vào đây luyện tập, có trời mới biết lý do thầm kín của từng người. Còn sao tất cả chúng ta lại vào đây, chỉ có thể gọi đó là cái duyên. Còn sao chúng ta vẫn đứng ở đây trong buổi lẽ thăng đai này thì đó lại nỗ lực của từng cá nhân cố gắng hợp lại thành một tập thể thống nhất.
Nỗ lực không chỉ dành riêng ai, nhưng xuất phát điểm từ là trên xuống dưới. Đó là những nỗ lực đầu tiên của Sáng Tổ để sáng lập môn phái, là những năm tháng gây dựng CLB từ niềm tin trong thầy, là những cống hiến của các anh chị huấn luyện viên nhiệt thành. Khi mà ai nấy đều hào hứng trước những điều mới lạ trong thì tương lai thì quá khứ sẽ là điểm tựa cho bước chân ta thêm phần vững chắc. Khi mà ai nấy đều đang hào hứng vì sắp được thăng đai, được gia nhập môn phái thì cũng là thời điểm ta cần học cách tri ân nỗ lực của những thế hệ đã bước đi trước mình.

 

Đường đi thì dài, để đi được chỉ có cách chia nó ra. Và cột mốc kết thúc chặng đường vừa qua của phần lớn môn sinh, võ sinh trong CLB được ghi nhận vào buổi lễ thăng đai cho kì thi thăng đai dã diễn ra từ hai người trước (22/12/2015). Anh Nhật Long thay mặt CLB đọc quyết định của liên đoàn Vovinam Hà Nội. Mỗi người một ý niệm. Một con đường dài hơn đang đợi ở phía trước. Phải chăng mình sẽ đứng vững, phải chăng bạn bè, đồng đội mình sẽ đứng vững.

 

Như đã đề cập phía trên, mỗi một chặng đường lại có những dấu ấn riêng, có những dấu ấn nhìn thấy được, sờ thấy được có những thứ thì không. Chiếc đai mới chính là thứ nhìn thấy được, rờ thấy được. Người mới nhất đã hơn 3 tháng, người lâu hơn đã gần 2 năm. Chưa đề cập lĩnh hội nhiều ít, nhưng chiếc đai mới hoàn toàn xứng đáng với mồ hôi các bạn rơi trên mảnh sân hình chữ nhật này.

Nếu chỉ coi những chiếc đai này chỉ là vật ngoài thân cũng đúng. Ai cũng hiểu điều những bậc tiền nhân của môn phái hướng tới là những thứ cao cả hơn nuôi dưỡng trong truyền thống võ đạo truyền lại từ đời này sang đời khác. Nhưng những thứ ngoài thân cũng đâu đáng để xem thường. Trong truyện cổ hay đề cập một vị tướng quân lâm trận điều đầu tiên phải làm là ăn mặc cho ra một vị tướng. Phục trang không phân định tướng tài nhưng dù gì trước khi bản thân có cơ hội chứng minh bản lĩnh, người ta vẫn có xu hướng nhận định qua vẻ bề ngoài. Người có tài sao không tô thêm chút điểm để cho thêm phần hoàn thiện, người chưa có cũng nên để ý mà làm theo, mình chưa làm được việc lớn thì việc nhỏ mình cứ làm xong đi rồi chờ thời, rồi tu tập. Nói nhiều vậy chỉ muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của cái đai mới. Các bạn hãy tự hào về nó. Hơn nữa, cũng chẳng phải các bạn không có khả năng. Rõ ràng có cả một ban chấm thi lão luyện đánh giá các bạn và sự thật là các bạn đã vượt qua.

 

Buổi thi thăng đai không có tỉ lệ chọi, tức là các thí sinh không loại nhau, các bạn chỉ đang loại chính mình. Nhưng không phải dĩ nhiên luận kiếm Hoa Sơn chọn đệ nhất cao thủ, người ta lại thi nhiều lần, đó là để cạnh tranh với nhau, để thách thức bản thân mình trong thời gian qua tập luyện ra sao. Đã là thi nhất thiết phải có một chút tính cạnh tranh, hoặc giả cũng biết ai hơn mình để học tập đỡ bị hoang mãng giữa một rừng cao thủ, ai là thực ai chỉ là hư danh. Danh hiệu thủ khoa các lớp kì này thuộc về Lưu Quang Minh – Võ Phương Thúy (Lam Đai), Vũ Thị Phương (Lam nhất), Hoàng Quỳnh – Xiong Kong Minh (Lam hai), Thân Thị Nga (Lam ba). Phần thưởng các thủ khoa nhận được không chỉ là chiếc đai thủ khoa, vinh dự hơn cả là được đích thân thầy Gấu thắt chiếc đai đó cho mình. Đương nhiên, ta không nên sống mãi trong vinh quang, nhưng nếu được cũng nên níu kéo một vài khoảnh khắc để mà tự tin hơn, để mà cảm thấy hào khí hừng hực mỗi khi nghĩ về. Đối với các thủ khoa, chắc hẳn khoảnh khắc đó các bạn sẽ không thể nào quên. Khoảnh khắc được thầy trao đai, khoảnh khắc được thay mặt cả lớp làm lễ, đọc vang lời tuyên thệ trước ban thờ Sáng Tổ.

 

Những khoảnh khắc ôn cố tri tân, nhắc lại chuyện trước, hồ hởi chuyện sau không chỉ dành riêng có các cho các bạn môn sinh cũ-mới tham gia vào cuộc thi thăng đai kì này. Đây cũng là dịp các anh chị huấn luyện viên nhìn lại chính mình, nhận định bản thân để cố gắng hơn trong thời gian tới dìu dắt thế hệ tiếp theo của môn phái. Mỗi một chiếc đai mới được đeo lên là một lần các bạn tri ân đội ngũ huấn luyện viên của mình. Mỗi thế hệ môn sinh thăng đai, nối tiếp nhau quảng đại môn phái là một lần các anh chị huấn luyện viên tri ân với những thế hệ trước đó, tri ân với Sáng Tổ Nguyễn Lộc. Tri ân không phải là chủ đề trọng tâm của buổi lễ nhưng ai cũng hiểu là phần quan trọng nhất. Thế hệ sau tri ân thế hệ trước, thế hệ trước tri ân những thế hệ trước đó. Đơn giản thôi, ai mà không có một người thầy.

Mỗi một sự kiện của CLB sẽ khó mà hoàn thiện nếu như không có những lời chia sẻ của thầy. Cũng hơi khó để tưởng tượng CLB sẽ ra sao nếu một ngày nào đó thầy phải đi vắng một thời gian dài. Mấy quyển sách dạy làm giàu trong hiệu sách thường nhận định, một CEO được coi là thành công chỉ khi anh ta xây dựng cho mình một đội ngũ làm việc bên dưới thật hoàn thiện, tức là anh ta có vắng mặt cả tuần thì công việc vẫn được tiến hành trơn tru. Thầy mà đi đâu đó, có thể các anh chị vẫn điều hành CLB trơn tru nhưng chắc chắn sẽ khó mà trọn vẹn đuộc. Nói vậy không phải phủ nhận thầy mà chỉ muốn nói thầy là một phần quan trọng của CLB, rất quan trọng. Vẫn những lời chia sẻ về môn phái, về CLB về tất cả chúng ta trên một chặng đường mới, những thách thức sẽ phải đối mặt, những chuyến đi… không mới nhưng truyền cảm hứng.

Cũng không biết nếu thầy phải đi vắng thì ai sẽ thay thầy lên thảm với các thủ khoa?

Tin khác